Những chấn thương răng thường gặp ở trẻ
Chấn thương răng xảy ra khá phổ biến, một số nghiên cứu cho thấy có đến 25% trẻ đến trường từng bị chấn thương răng và ở trẻ mầm non thì chấn thương răng chiếm 1/5 so với các loại chấn thương khác. Chấn thương răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất vẫn là ở trẻ em đặc biệt là trong những năm đầu đời và năm đầu tiên đi học, trong đó trẻ trai hay gặp nhiều hơn trẻ gái. Phần lớn chấn thương răng liên quan đến răng cửa và ở hàm trên vì thế gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và chức năng ăn nhai từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ. Việc điều trị chấn thương răng đôi khi là không thể hồi phục khi răng gãy hoặc rơi mất vì vậy cách tốt nhất là chúng ta nên hiểu và dự phòng để tránh tổn thương răng cho trẻ.
Nguyên nhân gây chấn thương răng
Ở lứa tuổi mẫu giáo thì nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là tai nạn sinh hoạt, do trẻ hiếu động chạy nhảy rồi ngã. Ở trẻ lớn hơn thì hay gặp do tai nạn giao thông đặc biệt là ngã xe đạp, xe máy, chơi thể thao các môn như đá bóng, võ thuật… Một số thói quen xấu của trẻ cũng có thể gây chấn thương răng như nhai đá lạnh, cắn vật cứng. Tuy nhiên có những yếu tố thuận lợi cho chấn thương răng mà đôi khi chúng ta không chú ý như: hàm răng vẩu, các răng cửa trên chìa nhiều ra trước, môi không che kín răng…
Thể thao là một trong những nguyên nhân gây chấn thương răng.
Chấn thương răng có các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như: răng lung lay, răng di lệch sang bên, răng lún vào bên trong xương ổ răng hoặc rời ra, răng rời ra ngoài xương ổ răng, gãy thân răng, gãy chân răng hoặc cả thân và chân răng.
Hậu quả khi trẻ bị chấn thương răng: sung huyết tủy răng; chảy máu tủy răng; vôi hóa tủy: buồng tủy, ống tủy bị bít kín dần do ngà lắng đọng; tủy răng bị hoại tử; tiêu chân răng...
Các ảnh hưởng trên mầm răng vĩnh viễn: thân răng bị đổi màu vàng nâu; thiểu sản men răng; chân răng bị tách đôi, tách đôi chân răng; thân răng bị gập, ngừng hình thành chân răng; rối loạn mọc răng...